Tương quan các lực lượng của hai bên Nội_chiến_Nga

Các lực lượng đứng về phía Bolshevik

Lực lượng đông đảo nhất, nhiệt tình nhất ủng hộ phía Bolshevik chính là các công nhân và nông dân Nga. Tính đến năm 1913, tổng số công nhân nước Nga có khoảng 18 triệu (chiếm 10% dân cư), trong đó có khoảng 3,6 triệu công nhân công nghiệp. Các công nhân Nga có cuộc sống rất khó khăn dưới chế độ Nga Hoàng, hoàn toàn không được hưởng chút gì về tự do chính trị, có tinh thần cách mạng triệt để và chịu ảnh hưởng sâu đậm của những người Bolshevik. Giai cấp công nhân Nga có mối quan hệ mật thiết với giai cấp nông dân, lại có phân bố tương đối tập trung, thuận lợi cho việc tổ chức và lãnh đạo đấu tranh.

Một bộ phận khác ủng hộ phía Bolshevik là các nông dân Nga. Là giai cấp có số lượng đông đảo nhất nước Nga nhưng lại chịu sự bất công lớn nhất, lực lượng này đã được phía Bolshevik hứa sẽ đưa ruộng đất về cho mình. Khi chính quyền Xô Viết thông qua Sắc lệnh về ruộng đất, thỏa mãn được yêu cầu về tư liệu sản xuất của nông dân Nga: Đó là ruộng đất. Trong Sắc lệnh có quy định:

1) Nay hủy bỏ ngay lập tức và không có bồi thường quyền sở hữu ruộng đất của địa chủ.

2) Các điền trang của địa chủ cũng như những ruộng đất của các thái ấp, của các nhà tu và giáo hội với toàn bộ gia súc và nông cụ, tất cả những kiến trúc và nhà cửa phụ thuộc đều giao cho các ủy ban ruộng đất của tổng và các Xô Viết đại biểu nông dân huyện xử lý....

Trong các lực lượng khác ủng hộ phía Bolshevik còn có lực lượng binh lính cũ của Nga Hoàng. Nhiều đơn vị quân lính được giao nhiệm vụ đàn áp lực lượng ủng hộ Bolshevik đã chạy sang hàng ngũ cách mạng. Vốn đa số xuất thân từ nông dân, nhiều binh lính đã được phía Bolshevik giác ngộ về những quyền lợi giai cấp mà họ sẽ có được khi tham gia tiến hành cách mạng. Hơn nữa, nhiều đơn vị quân Nga Hoàng được thành lập từ những người công nhân Nga, vốn trước đây tham gia các cuộc biểu tình, tuần hành bạo động chống đối Nga Hoàng, đã bị nhà cầm quyền bắt lại và bị đẩy ra mặt trận bắn nhau với quân Đức. Khi cách mạng Tháng Mười nổ ra, những đơn vị này đang mang theo trang bị và vũ khí, đã quay sang ủng hộ và chiến đấu cho phía những người Bolshevik. Tiêu biểu nhất là tướng Aleksey Alekseyevich Brusilov, vị tướng nổi danh nhất của quân đội Nga trong thế chiến thứ nhất đã làm cố vấn chiến đấu cho Hồng quân. Những người thủy binh trong quân đội Nga Hoàng cũng là những người ủng hộ nhiệt thành cho cách mạng Tháng Mười. Do nổi danh từ vụ Thiết giáp hạm Potemkin năm 1905, những người Bolshevik rất để ý đến lực lượng này và đã thu được không ít thành công trong việc giác ngộ lực lượng thủy binh, lính thủy đánh bộ Nga Hoàng đứng về phía mình. Ngoài ra còn có nhiều đơn vị bộ binh, kị binh cũng như nhiều binh chủng khác đã được tuyên truyền từ trước khi chiến tranh thế chiến thứ nhất nổ ra, tuy mức độ có ít hơn.

Vào tháng 12 năm 1917, Cheka - lực lượng an ninh nội bộ đầu tiên của Bolshevik được thành lập. Sau đó nó đổi tên thành GPU, OGPU, MVD, NKVD và cuối cùng là KGB. Những "cảnh sát mật" này chịu trách nhiệm tìm ra những kẻ bị xem là chống đối cách mạng và trục xuất họ ra khỏi Đảng cộng sản và nhà nước Xô Viết hay đưa ra tòa. Vào mùng 5 tháng 9 năm 1918, Cheka được giao trách nhiệm thi hành chính sách Khủng bố Đỏ nhắm tới các thành phần sót lại của chính quyền Sa hoàng, dập tắt chống đối từ các đảng phái cánh tả như Các mạng Xã hội, Menshevik cũng như từ các đảng phái cánh hữu và các nhóm chống Bolshevik khác như người Kozak. Felix Dzerzhinsky, lãnh đạo đầu tiên của Cheka nói vào tháng 6 năm 1918 với tờ New Life: "Chúng tôi hiện thân là sự khiếp sợ được tổ chức - điều này cần phải được nói rất rõ ràng - sự khiếp sợ như vậy là rất cần thiết trong điều kiện cuộc sống của chúng ta hiện nay trong thời gian cách mạng."

Các lực lượng quân sự của phía Bolshevik, ban đầu được gọi với tên:"Cận vệ đỏ", sau được thống nhất với tên: "Hồng Quân":

Các lực lượng chống lại Bolshevik

Quân Bạch vệ (Đế quốc Nga)

Lực lượng chống đối phái Bolshevik đầu tiên cần kể đến là những tướng tá, quý tộc cũng như nhiều sĩ quan cũ trong quân đội Nga Hoàng. Họ là những người đã bị tước bỏ hết tất cả các đặc quyền giai cấp, ruộng đất, các điền trang thái ấp được thừa hưởng từ những tổ tiên là quý tộc của họ, cũng như những lợi ích và vinh dự họ sẽ được hưởng khi chiến tranh kết thúc.

Bên cạnh đó là những đảng phái cánh tả cũng như cánh hữu bất đồng với những người Bolshevik vì đã thành lập nhà nước chuyên chính vô sản trong đó người Bolsevik nắm hầu hết các vị trí chủ chốt trong bộ máy chính quyền. Do các hoạt động tuyên truyền, biểu tình, bãi công, bạo lực chống lại người Bolsevik các đảng phái này lần lượt bị nhà nước Xô Viết đặt ra ngoài vòng pháp luật.

Giáo hội Nga cũng ủng hộ lực lượng Bạch Vệ do chính quyền Xô Viết đã thi hành một chính sách tịch thu nhiều tài sản của Giáo hội, thuyết phục các lực lượng ủng hộ mình từ bỏ tôn giáo, hạn chế nhiều nghi thức nhà thờ, thậm chí nhiều cán bộ Xô Viết đã ra lệnh đốt bỏ các nhà thờ của các cha đạo chống Xô Viết. Năm 1913, nước Nga có 367,2 triệu hecta đất trồng trọt thì hoàng tộc, địa chủ và tu viện đã chiếm 152,5 triệu hecta, phú nông chiếm 80 triệu. Chính sách chia ruộng đất cho nông dân của chính quyền Xô Viết khiến Giáo hội mất quyền sở hữu các mảnh đất rộng lớn. Ngoài ra, Giáo hội Nga muốn duy trì uy quyền như dưới thời Nga Hoàng, thời mà nước Nga giống như Châu Âu Trung cổ: Nhà thờ gắn liền với Hoàng tộc, chi phối xã hội và có quyền lực rất lớn.

Một bộ phận công nhân Nga đã được phái Menshevik tuyên truyền ủng hộ lực lượng Bạch vệ. Phái Menshevik và phái Bolshevik đã phân ly ra từ cùng một chính đảng, cả hai đều thừa hưởng nhiều di sản giống nhau, và lẽ tự nhiên là các cơ sở quần chúng của cả hai bên đều tương tự nhau. Ngoài ra còn do phái Bolshevik coi nhẹ tuyên truyền trong lực lượng công nhân công nghiệp nhẹ và các thợ thủ công, khiến phái Menshevik có ảnh hưởng không nhỏ trong các lực lượng này.

Một bộ phận nông dân Nga cũng ủng hộ lực lượng Bạch vệ. Nhiều nông dân mộ đạo bị phản tuyên truyền bởi Nhà thờ (tình trạng này cũng giống như hồi Cách mạng tư sản Pháp), họ tin vào lời của các cha xứ rằng Bolshevik là những "kẻ phản Chúa" nên đã chống lại Cách mạng. Hơn nữa có nhiều dân tộc trong Đế Chế Nga, như người Cossack, đã chống lại phe Bolshevik. Tại những vùng nông thôn Cossack có nhiều dân nghèo ủng hộ những người Bolshevik, nhưng nhiều vùng Cossack có đông tầng lớp trung nông, ít bần nông lại e ngại một cuộc cải cách ruộng đất do người Bolshevik thực hiện. Dưới thời Nga Hoàng, người Cossack luôn là thành phần được ưu ái. Họ được hưởng nhiều quyền lợi trong Đế chế Nga. Người Cossack được trực tiếp bầu ra các ataman của họ, được chọn vào trong các đơn vị ngự lâm quân của Nga Hoàng. Còn ở thời Bolshevik, người Cossack thờ ơ với Sắc lệnh về ruộng đất, chấm dứt chiến tranh là điều họ mong muốn nhưng e ngại bị trả thù do đã phục vụ Nga hoàng, bị phản tuyên truyền về việc ruộng đất của họ sẽ bị tước đoạt, đem chia cho những thành phần dân tộc khác. Ngoài ra do truyền thống phải suốt đời trung thành với các sĩ quan, hết lòng phụng sự Nga hoàng, sự vô kỉ luật của một số đơn vị Hồng Quân[6] đã khiến nhiều người Cossack đứng lên chống phía Bolshevik. Tình trạng trên cũng là tình trạng chung của nhiều dân tộc thiểu số khác trong đế quốc Nga.

Các dân tộc thiểu số vốn bị áp bức theo kiểu đế quốc trong hệ thống Đế chế Nga cũ khi chế độ Nga Hoàng sụp đổ, họ rất muốn đứng ra thành lập nhà nước độc lập của riêng họ. Chính quyền Xô Viết không muốn điều này xảy ra, vì họ sẽ bị mất các lãnh thổ rộng lớn, các khu vực địa lý có vị trí chiến lược. Điều này cũng sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm cho các dân tộc khác trong một quốc gia nhiều dân tộc như Đế quốc Nga. Sự toàn vẹn lãnh thổ của nước Nga sẽ bị đe dọa, an ninh của Nga sẽ bị ảnh hưởng do nguy cơ các thế lực bên ngoài sẽ kích động các dân tộc vốn có hằn thù với người Nga tham gia vào việc làm suy yếu nước Nga.

Cuối cùng là các thế lực bên ngoài nước Nga luôn muốn đánh gục nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới, âm mưu xâu xé nước Nga và các vùng lãnh thổ phụ thuộc của nó khiến các nước như Anh, Pháp, Nhật, Mỹ, Đức... tiến hành nhiều cuộc can thiệp bằng quân sự, cung cấp nhiều chuyến hàng viện trợ, công nhận các chính phủ do các lực lượng chống đối phía Bolshevik lập ra, đã giúp cho các lực lượng chống đối Bolshevik có thể tiến hành cuộc chiến được dai dẳng.

Những lực lượng chống đối Bolshevik, đa số tập trung dưới một ngọn cờ của quân "Bạch Vệ".

Các lực lượng ngoại quốc ủng hộ quân Bạch Vệ

Cách mạng Tháng Mười Nga đã diễn ra và thành công khi Chiến tranh thế giới thứ nhất đang diễn ra và vào giai đoạn quyết liệt nên các cường quốc trên thế giới không rảnh tay can thiệp vào tình hình nước Nga. Nhưng sau khi chiến tranh kết thúc, các nước này đã từng bước leo thang chống lại chính quyền Xô Viết.

Các cường quốc trong phe Hiệp Ước không công nhận chính quyền Xô Viết, lấy cớ nước Nga Xô Viết rút ra khỏi chiến tranh để phối hợp với các lực lượng chống đối trong nước, lật đổ chính quyền Xô Viết buộc nước Nga phải chấp nhận các lợi ích của Đế quốc Anh, Pháp và Mỹ.

Ngay từ cuối tháng 11/1917, các nước Phương Tây đã họp nhau tại Paris, quyết định hỗ trợ Bạch Vệ tiêu diệt nước Nga Xô viết. Bốn nước Mĩ, Anh, Pháp, Nhật Bản giữ vai trò chủ yếu trong "cuộc thập tự chinh chống cộng" này. Nước Đức tuy đã tạm thời ký hòa ước nhưng vẫn muốn chiếm được thêm nhiều vùng đất của Nga. Từ cuối năm 1917, các cường quốc trong phe Hiệp Ước đã thảo ra một kế hoạch bao vây và tấn công nước Nga Xô Viết: Pháp sẽ tấn công và lật đổ chính quyền Xô Viết ở Ukraina, Krym, Bessarabia; Anh sẽ tấn công và lật đổ chính quyền Xô Viết ở phía bắc nước Nga, ở vùng sông Đông, Kuban, Kavkaz; Mỹ và Nhật sẽ tấn công ở vùng Viễn Đông và Siberia.

Tháng 12-1917, quân Rumani (được Pháp hỗ trợ) đã chiếm Bessarabia. Từ tháng 3 đến tháng 4/1918, quân đội các nước Hiệp ước (Anh, Pháp, Mỹ) đã xuất hiện tại vùng biên giới của nước Nga. Quân đội Anh, Mĩ, Pháp đổ bộ lên hải cảng Murmansk ở phía cực bắc. Quân đội Nhật Bản, sau đó là Mĩ, chiếm Vladivostok, hải cảng ở miền cực đông nước Nga. Quân Anh lại kéo tới Turkmenistan và Ngoại Cápcadơ. Ngoài quân đội các nước Hiệp ước, quân Đức còn chiếm đóng các nước vùng Baltic, một phần Belarus, Ngoại Cápcadơ và Bắc Ngoại Cápcadơ. Trên thực tế, quân Đức còn kiểm soát cả Ukraina, dựng lên tại đây một chính quyền thân Đức.

Các lực lượng trung lập

Trong lòng nước Nga còn có một nhóm nhỏ quân sự xuất thân từ các nông dân. Họ là những người nông dân đứng lên chống chế độ Nga Hoàng nhưng cũng không muốn ngả theo phía khác mà muốn độc chiếm một cõi như các địa chủ thời phong kiến. Họ đã tập trung lại thành nhiều nhóm nhỏ với nhau và được gọi là "Quân Xanh". Trong cuộc nội chiến, Quân Xanh nhiều khi ngả về phía Hồng Quân, nhưng cũng có nhiều nhóm Quân Xanh chống Hồng Quân.

Liên quan